Trí nhớ có thể mất, nhưng quá khứ có thể buông bỏ dễ dàng sao?

Mình đến với “Sóng gió vương triều” nhờ Trần Kiện Phong. Đã từng tự bảo bản thân không nên vì diễn viên mà lục phim xem vì dễ thất vọng lắm (mình toàn thích diễn viên ít nổi tiếng thôi hà, đi mày mò nếu không phải phim ít thì cũng là phim không hợp gu, hoặc họ cũng toàn đóng vai rất nhỏ), nhưng thói xấu khó bỏ nên cuối cùng vẫn mặt dày đi tìm xem phim anh đóng. May mà đa số các bộ phim anh đóng đều ổn, nhất là các phim do TVB sản xuất. Thật ra lúc đầu mình nghe tên phim có hơi ngại vì cá nhân mình không thích thể loại cung đấu, nhưng xem từ từ thì thấy phim ấn tượng, xem được lắm, không hẳn là gu của mình nhưng đề tài mới lạ, tình tiết thực tế phù hợp với bối cảnh trong phim.

Relic_of_an_Emissar

*Một điều cần lưu ý trước khi đọc review là mình sẽ gọi tên nhân vật theo phim lồng tiếng chứ không theo những gì được ghi chép từ lịch sử, ví dụ “Yến Vương” không phải “Yên Vương”. Có lẽ vì vấn đề dịch thuật và cách phiên âm, ngôn ngữ Trung Hoa thay đổi nên xảy ra mâu thuẫn thế này.

“Sóng Gió Vương Triều” mang hàm ý cuộc tranh quyền đoạt vị giữa các vương gia, nên phim đúng là “cung đấu” nhưng ít thâm hiểm khó lường như các nàng phi tần đấu đá nhau trong hậu cung. Tên tiếng Hoa của phim là “Hồng Võ Tam Thập Nhị”, hay “Hồng Võ năm thứ ba mươi hai”, dựa vào sự kiện lịch sử Yến Vương Chu Đệ khởi binh giành ngôi với người cháu Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn, sau này thành công trở thành vua Minh Thái Tông (về sau được gọi là Minh Thành Tổ). Bởi vì đây là phim cổ trang dựa vào sự kiện lịch sử, “Sóng Gió Vương Triều” có thêm thắt những nhân vật và sự kiện mới vào cốt truyện, điển hình là Ngao Tiếu Phong – một Cẩm y vệ vì muốn tìm lại trí nhớ đã mất trong một vụ đắm tàu mà bị kéo vào cuộc tranh quyền khốc liệt chốn hoàng cung. Phim dẫn dắt người xem qua hai mạch truyện chính: con đường dẫn đến quyết định giành ngôi báu của Yến Vương và hành trình khôi phục trí nhớ của Ngao Tiếu Phong, cả hai người đều bị giằng xé bởi quá khứ và hiện tại, vùng vẫy cố gắng bắt lấy thứ số phận mà bản thân mong muốn.

Ấn tượng đầu tiên của mình là phim thực tế, rất “người lớn”. “Người lớn” ở đây không hẳn chỉ là mấy cảnh nóng (cảnh nóng trong phim toàn mơ hồ, không thì cũng mành phủ rèm che) mà là phim nói thẳng vào những vấn đề xã hội như cuộc sống phụ nữ và cách người khác đối xử với họ ngày xưa, mối quan hệ chủ-tớ, quân-thần, sự phân biệt giai cấp, những mưu mô hiểm kế tranh quyền đoạt vị không màng tình thân… một cách chân thực, đậm chất phong kiến thời xưa. Điểm cộng của phim là nhân vật nào cũng khá “con người”, phù hợp với suy nghĩ, phong tục và lễ nghĩa thời đó, nên những rắc rối, vấn đề từ đây mà ra đều trở nên hợp lí. Một điều khiến mình ngạc nhiên là TVB rất “bạo dạn” khi đưa những chi tiết “dễ gây tranh cãi” (và phẫn nộ) vào phim, bản thân mình đã lớn rồi, suy nghĩ cũng thoáng hơn nên thấy không sao nhưng chắc chắn hồi xưa sẽ không được xem vì phim “không phù hợp với độ tuổi”. Báo mạng Hồng Kông từng đưa tin phim bị phàn nàn về chuyện này, đọc cũng thú vị lắm, mình dẫn link phía dưới để ai có hứng thú thì đọc thử.

Phục trang phim thì đẹp miễn chê, bộ nào cũng lộng lẫy nhưng không màu mè, nhìn rất thuận mắt mà lại toát ra cái không khí vương giả quyền quý. Hoa văn, vải áo cũng tượng trưng cho giai cấp, thân phận người mặc trong xã hội, cứ ngắm rồi thử so sánh với hoàn cảnh nhân vật là thấy được nhiều ý tứ sâu xa trong đó lắm. Tuy quần áo cao sang nhưng cung điện hơi bé, nội điện nơi vua quan họp không lớn lắm, căn phòng vua bàn bạc riêng cũng khá tối, xem phim nhiều lúc không thấy được quyền uy của người đang ngồi trên ngai vàng (bao nhiêu đời vua ai cũng vì không gian nhỏ hẹp và bóng tối mà giảm khí chất vương giả rất nhiều). Những nơi khác trong cung thì ổn hơn, nhưng đem so với phủ vương gia thì hình như các vương gia “giàu có” hơn hoàng thượng nhiều.

Phần âm nhạc trong phim hay tuyệt vời, mình chẳng hiểu chữ nào nhưng nghe giọng hát với nhạc phối thấy thích lắm. Mình chỉ biết bài OP có tên “Giang Sơn” do Mã Đức Chung hát và bài ED “Em Chờ Anh/Anh Chờ Em” do Tạ Thiên Hoa và Từ Tử San song ca. “Giang Sơn” hào hùng, khí thế hừng hực, từng có lúc mình xem nhiều tập không tua nhạc mở đầu í. “Em Chờ Anh/Anh Chờ Em” thì nhẹ nhàng, bay bổng, chuẩn tình ca da diết. Nhạc đệm trong phim không đa dạng nhưng khá ổn, phù hợp với tâm trạng nhân vật và người xem. Hiếm khi nào mình xem phim mà thấy hài lòng với toàn bộ phần âm nhạc như thế này đó.

Một điểm khác mình thích ở phim là khi xem phải cùng suy nghĩ phân tích chung với các nhân vật, không cẩn thận là bị xoay như dế chứ chẳng đùa, mình xém bị lừa mấy lần (còn tưởng phim “vô lí” định chê nữa cơ, không ngờ là có chủ ý hết). Nhưng bởi vì điều này mà mình cảm thấy tiếc vì có những bí mật được tiết lộ sớm quá, không có bất ngờ gì hết (nhưng xem biểu cảm những người trong cuộc không hiểu gì cũng rất hài hước). Xem đến tập cuối thì mình thấy sao mà phim “tham” quá. “Tham” ở đây là tham nhân vật, tham cốt truyện của mọi người từ tuyến chính đến tuyến phụ, cố gắng thắt dây mơ rễ má phức tạp rồi ráng gỡ đến khúc cuối cho thật nhiều người có kết thúc đẹp. Vì có quá nhiều nhân vật đa dạng, mối quan hệ lại phong phú nên nhiều lúc mạch truyện bị loãng, có những đầu dây cũng bị bỏ dở hoặc xử lí không thỏa đáng. Đúng là đa số các sự việc được gỡ rối khéo léo, nhưng đôi khi mình thấy rất miễn cưỡng, giải thích cũng mơ hồ không đủ thuyết phục. Dễ tính thì bỏ qua nhưng khó tính sẽ không chấp nhận những lí do được nêu trong phim.

Nhìn chung, phim ổn, có thể không xem nhiều lần được nhưng trong lúc xem sẽ không khi nào buồn chán. Phần review không spoiler của mình đến đây phải nhường chỗ cho nhận xét và phân tích cá nhân về “Sóng Gió Vương Triều”, cảnh báo sẽ có spoiler nhé.


#SpoilerAlert!!!

Đầu tiên nói về nhân vật chính xuất hiện trước – Ngao Tiếu Phong – và vấn đề của anh. Cuộc hành trình tìm lại ký ức đã mất của Tiếu Phong thực chất là một sự giằng xé giữa hai con người, một của quá khứ và một của hiện tại. Con người Tiếu Phong của quá khứ chịu ơn Yến Vương, trở thành tử sĩ giết người không chớp mắt, làm Cẩm y vệ cũng tàn nhẫn có tiếng, việc ác chưa có gì chưa làm qua. Con người này sinh ra từ nỗi đau mất gia đình khi còn quá nhỏ, cả làng bị giết, được cứu thì chấp nhận rời bỏ quê hương, rèn luyện khổ nhọc dưới trướng Yến Vương để đền ơn. Con người Tiếu Phong của hiện tại thì ngược lại, cũng sinh ra từ mất mát, nhưng lại được tái sinh như một đứa trẻ không biết thân phận mình thế nào, được một ông lão tốt bụng cứu về, cho phụ giúp làm việc, có chỗ ăn chỗ ngủ đàng hoàng. Bởi vì sự đối lập này mà Tiếu Phong của hiện tại luôn ray rứt khi biết rằng mình của quá khứ đã làm nhiều chuyện xấu. Một điều khiến mình cảm thấy rất hợp suy nghĩ cá nhân là Tiếu Phong dù mất trí nhớ nhưng một phần con người của quá khứ lâu lâu vẫn hiện về, điển hình là những kĩ năng đã ăn sâu vào tiềm thức như đọc môi hay tính toán các khả năng khi gặp chuyện. Sự tàn nhẫn của anh dần hiện rõ hơn khi anh nhớ được nhiều, và Tiếu Phong, với cái nhìn mới về thế giới, chọn cách đè nén nó, xem quá khứ xấu xí ấy như lời nguyền, cố gắng với đến ước mơ nhỏ nhoi “được quyết định số phận bản thân”. Nhưng trí nhớ có thể mất trong một vụ đắm tàu, còn quá khứ mấy mươi năm liệu có thể dễ dàng bị rũ bỏ? Càng nhớ được nhiều, Tiếu Phong càng bị quá khứ trói buộc, hiện tại giằng xé, tâm can không lúc nào được yên ổn, dẫn đến đỉnh điểm anh quyết định chặt đi cánh tay có hình xăm sói, cắt bỏ quá khứ với Yến Vương, trả lại ân tình cho hoàng thượng. Tiếu Phong hi sinh như vậy có đáng không? Đáng chứ, đổi lại một tương lai ăn ngon ngủ yên, gia đình hạnh phúc, nửa đời sau bình an không chém giết thì hi sinh một cánh tay là quá may mắn. Nhưng Tiếu Phong làm thế có đúng không? Sẽ có người bảo Tiếu Phong bất trung bất nghĩa với Yến Vương, nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Tiếu Phong cũng chỉ là một con người nhỏ bé, mong muốn được làm đúng với lương tâm, phản bội Yến Vương đổi lấy sự thanh thản âu cũng hợp tình hợp lí.

Nhân vật chính thứ hai – Yến Vương Chu Đệ với mục đích chính là tranh quyền đoạt vị – có quá khứ liên quan đến nhiều người nhất. Cũng bởi vì quá khứ ấy mà Yến Vương phải giằng xé nội tâm khi bị trách nhiệm đè nặng trên vai, khi đứng trước nguy cơ từ vị vua mới đăng cơ và khi phải đối mặt với chính mong muốn và cảm xúc hỗn loạn từ trái tim thiện chiến khao khát tình thương. Cũng như Tiếu Phong, quá khứ của Yến Vương kiềm nén con người giận dữ của ông. Quá khứ với Tam Bảo đã giúp Yến Vương bình tĩnh lại mà không đuổi người hầu thân tín nhất của mình đi, để sau này Tam Bảo tiếp tục cống hiến nhiều chiến công hiển hách. Quá khứ với Minh Thái Tổ không cho phép Yến Vương lật lọng tráo di chiếu, tránh được một kiếp nạn suýt bị hoàng đệ đổ tội, nhưng cũng là quá khứ với người cha ấy mà Yến Vương quyết định phải giành ngôi vị đế vương mà bản thân cho rằng phụ hoàng đã “thiên vị”. Quá khứ với người em gái Vĩnh Dương công chúa đã gợi lại chút lòng nhân từ sâu thẳm, để Yến Vương, bấy giờ là Minh Thái Tông, nhận nuôi đứa trẻ mới sinh, không trách tội Tam Bảo và cũng tha cho Kiến Văn Đế một con đường sống. Cũng bởi vì quá khứ với hai người phụ nữ mà ông yêu thương, một người là mẹ và một người là vợ, mà ông tranh cãi với Đạo Diễn đại sư mấy lần, nhưng rồi vẫn phải ngậm đắng nuốt cay tiếp tục sự nghiệp. Con đường xưng đế của Yến Vương không phải chiến đấu với quá khứ gian nan như Tiếu Phong, nhưng kết quả được ngồi lên ngai vàng là minh chứng cho việc ông chấp nhận hi sinh rất nhiều thứ để chạm tới ước vọng của bản thân mình.

Cuộc hành trình của Ngao Tiếu Phong và Yến Vương Chu Đệ như cuộc chiến với quá khứ và thân phận của mình để được “tự do” đoạt lấy số phận mình mong ước. Nhưng quá khứ và kí ức có phải chỉ là sợi dây xích trói buộc? Quá khứ định nghĩa bản sắc cá nhân mỗi con người, cũng như việc Tiếu Phong mất trí nhớ về quá khứ của mình thì như đã mất đi phần con người rất quan trọng, luôn than phiền sống mà cứ như tỉnh như mơ. Một người sống trên đời thì không thể nào không có quá khứ hay ép buộc được bản thân phải quên đi nó. Mất quá khứ rồi tạo dựng quá khứ mới thì có tạo nên được một con người mới hoàn toàn? Cũng như việc quá khứ không thể nào mất đi, cho dù có tạo được một con người mới thì con người ấy vẫn còn ảnh hưởng từ quá khứ từ xa xưa, không thể nào nói rũ bỏ quá khứ hay con người cũ của mình thì có thể an yên sống tiếp được. Điều quan trọng nhất, theo mình, không phải là quá khứ bản thân như thế nào, mà là cách chúng ta nhìn nhận nó ra sao. Quá khứ tạo nên con người, nhưng cách nhìn nhận giúp hoàn thiện hơn con người đó. Như Tiếu Phong, người đã chấp nhận thân phận gian tế của mình, từ từ suy nghĩ cách thay đổi số phận, cuối cùng có thể trở thành một người mà anh mong ước – không chém giết và sống không giả dối. Một người không thể nào ruồng bỏ quá khứ bản thân, nhưng anh ta có thể thay đổi hiện tại của mình.

Đề tài mất trí nhớ rồi tìm được kí ức này có rất nhiều đất để khai thác, tiếc là phim lấy bối cảnh tranh quyền đoạt vị nên những giằng xé nội tâm của nhân vật chính không lên đến cao trào được, đất diễn cũng bị chia ra nhiều nơi cho tình cảm, mưu kế, đấu trí nên mình có chút không thỏa mãn. Thật ra bởi vì có quá nhiều nhân vật và mối quan hệ chồng chéo nên không có ai được khai thác sâu và thể hiện rõ nội tâm phức tạp cả, mình thấy khá tiếc. Bù lại mấy vụ việc đấu đá, đấu trí, ám hại nhau trong cung xem cũng gay cấn, li kì lắm nên mình không phải phàn nàn nhiều.

À, nếu đang nói về quá khứ, mình muốn đề cập đến tình nghĩa giữa Mã Tam Bảo và Vĩnh Dương công chúa. Hai người quen biết rồi lớn lên cùng nhau dưới phủ Yến Vương, vừa là thanh mai trúc mã vừa là tri kỉ sinh tử tương giao, xuyên suốt phim là những khoảnh khắc Tam Bảo lo lắng quan tâm cho cô công chúa bướng bỉnh và cách Vĩnh Dương công chúa vì bảo vệ Tam Bảo mà không màng mạo hiểm hi sinh. Đoạn kí ức ngày thơ ấu cùng kết bái thiên địa khi phải trốn trong hang động tránh quân địch là kỉ niệm trân quý giữa hai người. Với Tam Bảo, đó là hạnh phúc được trao tặng từ tâm hồn ngây thơ trong sáng, bởi anh biết với hoàn cảnh và thân phận của mình thì chẳng thể thành thân. Với Vĩnh Dương, đó là sự quan tâm bảo vệ hết lòng Tam Bảo dành cho cô. Tam Bảo không màng nguy hiểm quyết tìm cho ra chân tướng cái chết của nương nương để rửa oan cho công chúa, công chúa đứng ra bênh vực Tam Bảo khi Yến Vương nổi giận định giết anh. Tam Bảo cất lại tình yêu của mình dành cho công chúa, khuyên bảo người phải nắm lấy hạnh phúc riêng của bản thân, hứa với người rằng nếu không còn ai yêu thương công chúa nơi Bắc Bình thì vẫn còn Tam Bảo. Còn công chúa, vì bảo vệ Tam Bảo khỏi sự truy cứu của Minh Thái Tông đã quyết định hi sinh hạnh phúc bản thân là đứa con đầu lòng. Tình cảm giữa hai người nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt, thương nhau là muốn bảo vệ người kia, muốn người kia được hạnh phúc. Mình thấy mối quan hệ giữa hai người thật đẹp, không nhất thiết phải đến với nhau như tình nhân rồi kết duyên vợ chồng như công chúa với Tiếu Phong, Tam Bảo và công chúa đối đãi với nhau nghĩa nặng tình sâu, mối liên kết vững chắc ấy chưa chắc ai ai cũng có được.

Tam Bảo đã ước rằng, dù sau này có bất cứ chuyện gì xảy ra, công chúa vẫn luôn xem Tam Bảo là người bạn thân tốt nhất của người.

Có một chủ đề được ám chỉ mà mình thấy rất hay đó là cách ghi chép lịch sử. Trong lúc điều tra thân thế của mình, Tiếu Phong khi biết đến Vạn Quế Cốc và vụ thảm sát diệt làng năm xưa đã quyết đi tìm Yến Vương hỏi tội, lúc lấy được bản ghi chép ở phủ Yến Vương vẫn không tin năm xưa làng mình bị sơn tặc giết chứ không phải Yến Vương. Điều này hợp lí không chỉ với hoàn cảnh, tính cách nhân vật trong phim mà mình nghĩ ngoài đời thật mọi người ai cũng phải tự thành lập cách suy nghĩ như Tiếu Phong, khi đối mặt với một bản ghi chép lịch sử thì phải phân tích ai viết, viết vì mục đích gì, viết cho ai, từ đó phán xét xem bản ghi chép có đáng tin hay không. Như Tiếu Phong từng nói, bản ghi chép là do người của Yến Vương viết, mục đích chắc chắn không thể nào là muốn bêu tiếng xấu của Yến Vương, người đọc cũng chỉ là quan sai hay hoàng tộc muốn kiểm soát những việc làm của vị vương gia này, đương nhiên không thể nào viết “sự thật” Yến Vương thảm sát một thôn làng được. Cũng như việc “Sóng Gió Vương Triều” lấy bối cảnh lịch sử nhà Minh, vì mục đích của nhà sản xuất và đối tượng xem phim mà phim thêm thắt vào nhiều nhân vật, vừa dựa vào các sự kiện lịch sử vừa vẽ nên nhiều sự kiện tự tưởng tượng cho cốt truyện phong phú. Cũng như lịch sử có cách nhìn riêng về vị Minh Thái Tông và sự tàn bạo của ông ta hay nhận xét về việc làm của Kiến Văn Đế, phim cũng có cách nhìn riêng để giải thích lí do dẫn đến việc chú cháu hoàng tộc tương tàn và việc Yến Vương an phận thủ thường phải nổi dậy khởi binh giành ngôi vị. Có lẽ phim ủng hộ Yến Vương hơn Kiến Văn Đế khi kể rằng vì mâu thuẫn chẳng thể cứu vãn và muc đích sinh tồn mà dẫn đến việc Yến Vương quyết định soán ngôi, còn Kiến Văn Đế lại vì một cô gái mà nhu nhược, cuối cùng mất cả giang sơn. Người kể chuyện thường kể theo cách nhìn và quan điểm của mình nên thêm bớt lịch sử cũng không có gì là lạ, huống hồ đây là phim cổ trang.

Nhận xét về con người Yến Vương, vị vương gia này không phải tốt hoàn toàn (mà thật ra các nhân vật chính phụ trong poster phim chẳng có ai hiền lành cả). Từ những tập đầu đã cho thấy ông là người thâm hiểm, ngoài miệng bảo lo cho người nhà Tương Vương “ăn ngay đứng thẳng” không tội tình phải bị đuổi nhưng từ lúc đầu khi Lam Tử Hiên bị truy bắt thì ông chỉ phái Tam Bảo lấy mảnh ngọc chứ không cứu thằng bé, trong khi thằng bé chỉ vì có người nhà phạm tội nên mới bị truy sát. Từ lúc còn làm Vương gia thì Yến Vương đã có cái quyền uy của vua rồi, thần không tuân quân thì quân xử thần chết, nếu ông muốn Tam Bảo chết thì nhất định Tam Bảo phải chết chứ không khác được, Chúc Diêm Diêm cũng từng bảo cái mạng của tử sĩ như cô và Tiếu Phong đã giao cho Vương gia từ lâu. Yến Vương tự trao cho mình cái quyền sinh sát như vậy có phải là bất nhân bất nghĩa? Nếu ông ta bất nhân bất nghĩa thì làm sao có được nhiều người phò tá như vậy, nên cũng phải nói đến Yến Vương đã làm nhiều việc tốt nên mới có phúc hưởng, ví như việc nhận bộ ba Mã Tam Bảo – Ngao Tiếu Phong – Chúc Diêm Diêm vào rèn luyện, cho ăn học đàng hoàng. Điển hình nhất là Mã Tam Bảo, nếu không nhờ Yến Vương đích thân chọn về cho học hành đến nơi đến chốn, cho phép không mặc trang phục hoạn quan thì chưa chắc gì Tam Bảo đã trở thành người túc trí đa mưu, lập nhiều chiến công, sau này còn du ngoạn bốn bể. Đề tài về mối quan hệ chủ-tớ hay việc trả ơn này phải đặt vào bối cảnh của phim mới hiểu hết được, có lẽ vì cách suy nghĩ và lễ nghĩa thời đó bắt buộc người tôi tớ phải trung thành với chủ, huống hồ chủ còn là ân nhân của mình. Nhưng nhiều khi xem vẫn rất tức cho những người làm việc cho Yến Vương, nhất là Tam Bảo, hết lòng hết dạ vì chủ nhưng chủ có thật sự quan tâm họ không? Yến Vương có thể bảo mình đã cứu giúp và nuôi nấng mấy đứa nên mấy đứa phải răm rắp nghe lệnh, có chết vì mình âu cũng là trả ơn, nhưng một mạng người vẫn là một mạng người, đâu thể vì mang ơn thì phải để sống chết vào tay người khác được. Bởi vậy cuối cùng mới có một Tiếu Phong chặt xuống cánh tay mang hình xăm sói tượng trưng lời thề giao mạng cho Yến Vương, đổi lấy cuộc đời tự do mà bản thân có quyền quyết định. 

Một vài điểm vô lí và khúc mắc của bản thân mình sau khi xem phim có thể kể đến vài tình huống “không hiểu sao nhân vật làm được vậy” và chuyện tình Sở Sở – Ngao Tiếu Phong. Đầu tiên là việc Vĩnh Dương kéo Ngao Tiếu Phong lên núi. Nàng công chúa yểu điệu này dù đã từng cải nam trang nhưng không hề có sức mạnh như nam nhi, cũng chưa sống khổ cực ngày nào, vậy mà biết thắt dây cột gỗ làm tấm ván rồi còn kéo nổi Ngao Tiếu Phong lên núi tìm trợ giúp. Thứ hai là chuyện công chúa bị ném xuống giếng cạn nhưng không bị xây xát gì. Nghe thôi đã thấy vô lí rồi, rớt xuống giếng không gãy cổ cũng gãy tay gãy chân, thế mà công chúa được cứu về vẫn có thể đi lại bình thường. Còn Ngao Tiếu Phong, chuyện này buồn cười hơn, cắn ngón tay cho công chúa uống tí máu của mình mà cuối cùng “còn nửa cái mạng”. Chắc phim không biết khai thác về mối tình giữa hai người ra sao nên tạo nhiều tình tiết vô lí khiến mình mệt mỏi quá. Mình thấy khá tiếc cho mối tình giữa Ngao Tiếu Phong và Sở Sở, lúc đầu dẫn dụ người xem tưởng là Tiếu Phong và Thẩm Thiên Tam yêu nhau rồi tiết lộ thật ra Sở Sở mới là người yêu Tiếu Phong, sau đó không nói nhiều về chuyện tình hai người nữa, tách hẳn Tiếu Phong giao cho Vĩnh Dương, Sở Sở cuối cùng lại yêu Yến Vương – người yêu của chị mình. Mình không thích motip anh em/chị em song sinh vì khuôn mặt giống nhau nên được cùng một người yêu hay cùng yêu một người (hoặc sau đó mới cùng yêu một người), bởi mình nghĩ song sinh nhưng mỗi người là một cá thể riêng rất khác nhau chứ không phải người này mất thì người kia thế vào cho “có đôi có cặp” là được. Hơn nữa, chuyện giữa Sở Sở và Tiếu Phong chẳng được hóa giải rõ ràng, hai người cứ thế mà rời xa nhau như vậy. Kết phim còn ép phải tròn nữa cơ, ai cũng phải có đôi có cặp mới vừa, như Trung Lương mất Tiểu Kiều thì cặp với Điềm Nhi – người hầu nữ của công chúa.

Thật ra mình vẫn còn nhiều điều để nói lắm, nhất là về vị tổng quản Mã Tam Bảo, nhưng viết ra sẽ dài, lại không phù hợp với đề tài chính của phim nên mình sẽ viết một bài riêng về anh vậy.


Link tham khảo:

Kỳ 1 – https://www.ntdvn.com/van-hoa/cao-tang-ky-la-xuat-gia-khong-tron-doi-tro-giup-minh-thanh-to-gianh-duoc-thien-ha-ky-1-3577.html (truy cập lần cuối vào ngày 19/8/2020)

Kỳ 2 – https://www.ntdvn.com/van-hoa/cao-tang-ky-la-xuat-gia-khong-tron-doi-tro-giup-minh-thanh-to-gianh-duoc-thien-ha-ky-2-3581.html (truy cập lần cuối vào ngày 19/8/2020)


Nguồn hình ảnh:

https://www.jaynestars.com/news/relic-of-an-emissary-tvb-2011/ (truy cập lần cuối ngày 19/8/2020)

Hình cap từ trang web: https://phim7z.tv/phim/song-gio-vuong-trieu-htv2-6084/xem-phim.html (truy cập lần cuối ngày 19/8/2020)